Học sinh trải nghiệm tại khu di tích nhà tù phú lợi và nhà bảo tàng Bình Dương
Thứ sáu - 04/04/2025 17:08
Vào thứ Sáu, ngày 4 tháng 4 năm 2025, trường Tiểu học Nguyễn Trãi - TP.TDM đã tổ chức cho chúng em một chuyến đi trải nghiệm thực tế vô cùng bổ ích, với hai điểm đến nổi bật là: Nhà tù Phú Lợi và Bảo tàng Bình Dương. Dưới sự dẫn dắt của cô Tổng Phụ trách đội, cô chủ nhiệm cùng các thầy cô trong ban giám hiệu, chúng em đã có một hành trình học hỏi đầy thú vị, mang đến những hiểu biết quý báu về lịch sử và văn hóa dân tộc.
Trước chuyến đi, chúng em đã dành thời gian để tìm hiểu trước những thông tin cơ bản về các điểm đến này. Mặc dù các địa danh này đã quá nổi tiếng và quen thuộc, nhưng với đa số học sinh chúng em, đây là lần đầu tiên được trực tiếp đến để khám phá. Đặc biệt, là những người sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, chúng em cảm thấy chuyến đi này như mở ra một cánh cửa mới, giúp thỏa mãn niềm đam mê học hỏi về lịch sử và văn hóa. Chúng em đã chuẩn bị chu đáo các dụng cụ như sổ tay, bút, máy ảnh và máy ghi âm để có thể ghi lại mọi kiến thức thú vị và thông tin bổ ích mà mình thu thập được trong suốt chuyến đi. Sự háo hức, mong đợi hiện rõ trên gương mặt từng bạn học sinh, khiến không khí chuẩn bị trước chuyến đi trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.
Ai đã một lần đến thăm khu di tích (DT) Nhà tù Phú Lợi, được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về cuộc sống sinh hoạt của tù nhân, cảnh tù nhân bị giam cầm và những hình phạt tra tấn tù nhân hết sức dã man của chế độ Mỹ - Diệm, sẽ càng khâm phục hơn tinh thần bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, của những người dân Việt Nam yêu nước từng bị giam cầm ở chốn “địa ngục trần gian” này…
Nhà tù Phú Lợi tọa lạc trên đường Một Tháng Mười Hai, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một. Đây là một trong những điểm đến mang nhiều ý nghĩa và tính giáo dục cao đối với mọi người muốn tìm về lịch sử đấu tranh của dân tộc. Trong 8 năm tồn tại (từ 1957-1964), nơi đây được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” của các chiến sĩ cách mạng và người dân Việt Nam yêu nước.
Tỉnh Bình Dương ở nước ta được chứng nhận là nơi có nhiều di tích lịch sử và chiến tranh, tiêu biểu phải kể đến nhà tù Phú Lợi, là một trong những nhà tù lớn nhất Mỹ - Diệm ở miền Nam. Nhà tù được dựng lên năm 1957 để giam cầm và tra tấn các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ, và tồn tại suốt tám năm (1957-1964). Nhưng với tinh thần kiên cường bất khuất, các tù nhân Phú Lợi đã đoàn kết anh dũng đấu tranh thắng lợi. Được mệnh danh “Địa ngục trần gian”.
Từ giữa năm 1957, trại giam Phú Lợi được xây dựng bố trí ngay bên khu căn cứ quân sự với tổng diện tích khoảng 12 ha. Số tù nhân chúng đưa về Phú Lợi đầu tiên có 4 nữ và khoảng 100 nam, đến cuối 1957 tăng lên 3.000 tù nhân. Chúng chia trại giam thành nhiều khu vực: khu hành chánh, khu gia đình binh sĩ, khu An Trí Viện – gọi là khu “An Trí Viện” nhưng thực chất là trại giam. Khu trại giam gồm có ba trại: Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa. Cả ba trại có chín phòng giam đánh dấu A,B,C,D,… mỗi trại ngăn cách nhau bằng bức tường kẽm gai dày đặc. Bao quanh ba trại là hai bức tường cao, có mấy lớp kẽm gai sắc nhọn, hệ thống đèn điện chiếu sáng vào ban đêm, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Ở giữa trại giam có nhà vòm cao để quan sát toàn khu trại nên việc trốn thoát là không thể. Đến cuối năm 1958, số tù nhân lên đến gần 6.000 người, trong đó có 1.000 tù nhân là nữ. Anh chị em tù nhân quê quán ở khắp mọi miền đất nước chẳng may rơi vào tay giặc và bị chúng tập trung về đây.
Tại sao nơi đây được gọi là “Địa ngục trần gian” bởi vì chúng đã tra tấn, áp dụng những cực hình tàn khoc nhất, cho tù nhân ăn cơm kham khổ với gạo mục, cá ươn, nước nắm có dòi bọ và bắt ép các tù đồ sống trong môi trường tối tăm, bẩn thiểu, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai bệnh tật không thuốc chữa trị… và những đòn điều tra đánh đập dã man… và chúng đặt ra “24 điều cấm” rất khắc nghiệt để lấy cớ đánh đập tù nhân.
Phòng truyền thống hiện lưu giữ và trưng bày khá nhiều hình ảnh, hiện vật về lịch sử hình thành Nhà tù Phú Lợi. Một địa ngục trần gian đã từng hiện hữu tại đây. Những hình ảnh tù nhân lao động khổ sai, không được ăn trưa, không được đội nón, không được nghỉ còn bị bọn lính canh đánh đập. Rồi cảnh tù nhân bị giam cầm trong lồng kẽm gai, hay bị giam cầm trong căn hầm chật chội, phía trên là lưới kẽm gai bao bọc... đến cảnh tù nhân bị tra tấn bằng nhiều hình thức hết sức dã man, vừa bị đánh đập, vừa bị chúng ép uống nước xà phòng… Không lung lay, khuất phục được ý chí quật cường của các chiến sĩ cách mạng, bọn Mỹ - Diệm quay sang giở thủ đoạn gian ác hơn là đầu độc. Cảnh tù cơ cực, sinh hoạt bẩn thỉu nhưng vẫn không khuất phục được tinh thần của những chiến sĩ cách mạng, những người dân Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ. Tổ chức của Đảng bộ vẫn bí mật hoạt động và tồn tại trong Nhà tù Phú Lợi. Phong trào đấu tranh đòi quyền lợi, chống lại chế độ hà khắc nhà tù của tù nhân vẫn liên tiếp diễn ra… Bên cạnh những hình ảnh trên, phòng truyền thống còn lưu giữ những trang hồi ký xúc động, những kỷ vật của các cựu tù chính trị từng bị giam cầm nơi đây.
Với giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa chính trị quan trọng của khu di tích nhà tù Phú Lợi. Năm 1995, di tích đã được Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương đầu tư công trình biên soạn lược sử và trùng tu, tôn tạo khu di tích khắc ghi công lao, tinh thần bất khuất đấu tranh chống vụ đầu độc tù nhân Phú Lợi. Một bức tượng bằng đồng cao 3,5m của cố tác giả điêu khắc Diệp Minh Châu, thể hiện sự đau thương trong ngày xảy ra vụ đầu độc, tái diễn lại lịch sử nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất của tù nhân Phú Lợi năm xưa. Nhà tù Phú Lợi trở thành một bằng chứng về tội ác của Mỹ – Ngụy tại miền Nam Việt Nam; nơi đây là biểu tượng cho lòng dũng cảm của cán bộ đảng viên, các đồng chí cách mạng và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong nhà tù vì độc lập, tự do, hoà bình, hạnh phúc cho quê hương đất nước. Ca ngợi ông cha ta đã hy sinh, một lòng chiến đấu kiên cường không khuất phục trước bọn ngoại xâm, dùng chính xương máu để đổi lấy sự hòa bình ngày hôm nay. Hàng năm, di tích đã tiếp đón nhiều lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của con người Việt Nam. Khu di tích Phú Lợi trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Qua chuyến đi các em rất vui và càng tự hào về tinh thần chiến đấu của cha ông ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tiếp tục hành trình, khi đặt chân đến Bảo tàng Bình Dương, chúng em như lạc vào một kho tàng kiến thức vô tận với hiện vật quý giá tái hiện toàn bộ dòng chảy lịch sử dân tộc từ thời tiền sử đến thế kỷ XIX. Được chiêm ngưỡng những cổ vật, những chứng tích lịch sử tại đây, chúng em mới cảm nhận sâu sắc hơn về sự phong phú và giàu có của nền văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ.
Bảo tàng tỉnh (tọa lạc tại số 565 đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VHTT&DL. Đây là thiết chế văn hóa có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Cơ sở vật chất bảo tàng cũ được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2004. Với diện tích trưng bày 2.000m2, gồm 1.300 hiện vật gốc và 50 tài liệu khoa học, Bảo tàng tỉnh là nơi lưu giữ, bảo quản nhiều tư liệu, thông tin giá trị, ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa của tỉnh Bình Dương từ xưa đến nay. Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, có nhiều hạng mục công trình tại Bảo tàng tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp, gây khó khăn cho công tác quản lý, khai thác và sử dụng. Vì vậy, Sở VHTT&DL đã chủ động đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan tiến hành cải tạo, nâng cấp công trình Bảo tàng tỉnh.
Bảo tàng Bình Dương trưng bày toàn bộ lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội của người Bình Dương kể từ khi khai phá lập làng, những chứng tích đầu tiên của nền văn hóa cổ cho đến ngày nay. Với gần 2.000m² diện tích mặt nền và đai trưng bày, khoảng 13.000 hiện vật gốc và một số hình ảnh tư liệu lịch sử, tài liệu khoa học phụ các loại.
Toàn bộ nội dung trưng bày được cấu trúc trong hai tầng gồm 8 chủ đề:
- Tự nhiên Bình Dương: Gồm 5 diện trưng bày, giới thiệu địa hình, tài nguyên và khoáng sản, thổ nhưỡng, động thực vật của rừng Bình Dương.
- Thời tiền sử đến thế kỷ XVI: Gồm 7 diện trưng bày, giới thiệu những hình ảnh về các đợt khai quật khảo cổ như: Di tích khảo cổ Cù lao Rùa, di chỉ khảo cổ Dốc Chùa Tân Uyên, Khảo cổ Phú Chánh, nổi bật có 5 trống đồng Phú Chánh đang được trưng bày.
- Bình Dương thời kỳ khai phá lập làng: Ở mảng này được trưng bày những hiện vật các phù điêu về nghề thủ công ở Bình Dương, đời sống cư dân nông nghiệp ở Bình Dương, tranh chợ làng Bình Dương xưa... Ngoài ra còn trưng bày những hiện vật có niên đại vào khoảng thế kỷ XII - thế kỷ XIII như: những hiện vật khai quật được ở mộ cổ ông Bá hộ Quới. Bản đồ điện địa lý hành chánh Bình Dương qua các thời kỳ và một số hiện vật có niên đại cách ngày nay hơn 200 năm, bộ sưu tập tiền cổ.
- Văn hóa cộng đồng các dân tộc: Gồm 10 diện trưng bày, trong đó trưng bày những hình ảnh hiện vật, những thường phục trang phục trang sức, những đồ dùng sinh hoạt, những dụng cụ lao động, những nhạc cụ... của 3 dân tộc: Việt, Hoa và dân tộc bản địa. Ngoài ra còn có các tổ hợp trưng bày như: Tổ hợp xay lúa giã gạo, tổ hợp nghề đan lát, tổ hợp thuyền buôn, tổ hợp mái Đình làng Việt, tổ hợp bàn thờ Tổ Tiên người Việt, tổ hợp võ thuật Bà Trà - Tân Khánh. Ở mảng này còn có trưng bày xe ngựa Bình Dương.
- Bình Dương thời thuộc Pháp: Gồm 8 diện trưng bày nằm trong 2 phần, phần trưng bày thời thuộc Pháp và phần trưng bày thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
- Trưng bày các ngành nghề thủ công truyền thống ở Bình Dương: Ở mảng này trưng bày các ngành nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở Bình Dương đó là: Sơn mài, điêu khắc, chạm trổ và gốm sứ mỹ nghệ. Ngoài ra còn có nghề vẽ tranh trên kiếng.
- Bình Dương 30 năm xây dựng và phát triển: Trưng bày quá trình từng bước phục hồi nền kinh tế của tỉnh sau chiến tranh, thời kỳ đổi mới, các giai đoạn phát triển kinh tế, những thành tựu kinh tế nổi bật của tỉnh.
Thời gian qua, bảo tàng luôn thu hút khá đông khách tham quan trong và ngoài tỉnh, khách nước ngoài và là nơi trao đổi, nghiên cứu khoa học của nhiều cơ quan, các nhà khoa học trong nước. Dù chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa vào quá khứ nhưng những tàn tích do chiến tranh để lại vẫn còn mãi với thời gian, chuyến trải nghiệm thăm quan bảo tàng này đã để lại rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ trong tôi. Như bác Hồ đã từng nói “dân ta phải biết sử ta”, hiểu được đạo lý đơn giản đấy giúp tôi ngày càng yêu thích tìm hiểu lịch sự và biết ơn sâu sắc đối với tấm lòng yêu nước và sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.
Thông qua chuyến đi tham quan bảo tàng còn lưu giữ lại những hình ảnh, những đồ vật,.. liên quan trong các cuộc chiến tranh ở Việt Nam tôi cảm nhận sâu sắc được sự khốc liệt, tội ác, hậu quả chiến tranh của các thế lực xâm lược đã gây ra cho người dân Việt Nam nói chung và mảnh đất Bình Dương nói riêng. Từ đó để thấy được từ trong nghiệt ngã, đớn đau về cả tinh thần lẫn thể xác là sự khát khao, ý chí kiên cường vươn lên, hướng tới hòa bình ngày càng mãnh liệt. Chúng ta, những con dân Việt Nam đã và đang được sinh sống trong bình yên
và tự do, nhưng hãy luôn ghi nhớ rằng chúng ta thật may mắn vì những điều mà chúng ta có được ngày hôm nay được đánh đổi bởi xương máu của bao anh hình dân tộc đã đứng lên chống thực dân đô hộ để trao cho chúng ta những giây phút bình yên này, hãy luôn ghi nhớ và mang lòng biết ơn đối với biết bao nhiêu thế hệ cha anh đã hy sinh cùng với lòng biết ơn đó chúng ta những thế hệ trẻ – tương lai của nước nhà cần không ngừng nỗ lực, phấn đấu góp sức lực nhỏ bé của bản thân xây dựng đất nước để đất nước sánh cùng “các cường quốc năm châu”.
Dạo bước quanh Bảo tàng, tôi như vị khách du hành xuyên suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam, tìm hiểu về nét đặc trưng văn hóa vùng đất phương Nam thông qua hệ thống các phòng trưng bày cố định, chuyên đề đặc biệt.
Bên cạnh mỗi hiện vật là những chú thích vô cùng chi tiết, giúp người đến tham quan cảm thấy thích thú khi tìm hiểu về lịch sử cội nguồn của những đồ vật cổ xưa này. Qua đó mà ta hiểu thêm về cuộc sống của người dân nước ta ở nhiều nhiều năm về trước.
Hiện vật được trưng bày không chỉ thể hiện quá trình lịch sử phát triển mà còn tô đậm nét văn hóa của Việt Nam. Một số khu vực trưng bày những bộ xiêm y sặc sỡ và nhạc cụ truyền thống của các dân tộc, tạo thành một dải rực rỡ màu sắc.
Những hiện vật và khung cảnh cổ kính trong bảo tàng Bình Dương đã níu lấy bước chân, khiến thầy cô và học sinh chúng tôi chẳng muốn ra về. Khiến tôi thêm yêu, tự hào về lịch sử lâu đời của Việt Nam. Tôi cũng đã chụp rất nhiều bức ảnh kỉ niệm trong không gian thơ mộng và cổ kính của bảo tàng. Chắc chắn tôi sẽ trở lại nơi đây vào một ngày không xa.
Trong suốt chuyến đi, các thầy cô không chỉ là người đồng hành mà còn là những người truyền đạt kiến thức, giải đáp những thắc mắc và cung cấp thêm nhiều thông tin mà sách vở khó có thể truyền tải hết. Những bài học, câu chuyện lịch sử qua lời kể của các thầy cô làm cho mọi thứ trở nên sống động, hấp dẫn hơn rất nhiều. Chính nhờ đó, chúng em đã tích lũy thêm nhiều kiến thức mới, không chỉ về lịch sử mà còn về văn hóa xã hội, giúp khơi dậy niềm hứng thú trong việc học tập.
Chúng tôi trên mạng xã hội